Dự kiến tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022, cơ cấu lương của DN sẽ thay đổi như thế nào?

Ngày 12/4/2022, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 thống nhất và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 01/7/2022 và áp dụng đến ngày 31/12/2023 để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Trong trường hợp Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng sau 2,5 năm giữ nguyên. Đây là mức tăng cao nhất trong vài năm trở lại đây và cũng là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.

Cụ thể, sau khi tăng 6% tương ứng 180.000-260.000 đồng/tháng so với hiện hành, thì mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 sẽ như sau:

  • Mức 4,68 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (hiện là mức 4.420.000 đồng/tháng);
  • Mức 4,16 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (hiện là mức 3.920.000 đồng/tháng);
  • Mức 3,63 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (hiện là mức 3.430.000 đồng/tháng);
  • Mức 3,25 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (hiện là Mức 3.070.000 đồng/tháng).

Căn cứ theo Điều 5, Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định:

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận, phải bảo đảm:

– Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

– Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.”

Do mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất người lao động được trả khi làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp, khi lương tối thiểu vùng tăng, kéo theo nhiều thay đổi trong chính sách tiền lương. Theo đó, mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu mà doanh nghiệp phải đóng cũng đồng thời tăng lên. Đối với trường hợp người sử dụng lao động xác định mức lương cơ sở để trả cho người lao động là mức lương tối thiểu vùng để đóng thì mức đóng bảo hiểm sẽ có sự thay đổi như sau:

1. Đối với người lao động Việt Nam: mức tổng đóng bảo hiểm của của người sử dụng lao động là 21.5%

  • Mức 4.690.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (đóng 1.010.000 đồng/tháng).
  • Mức 4.160.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (đóng 890.000 đồng/tháng).
  • Mức 3.640.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (đóng 780.000 đồng/tháng).
  • Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (đóng 700.000 đồng/tháng).

2. Đối với lao động nước ngoài: tổng mức đóng bảo hiểm mà người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 20.5%

  • Mức 4.690.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (đóng 960.000 đồng/tháng).
  • Mức 4.160.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (đóng 850.000 đồng/tháng).
  • Mức 3.640.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (đóng 750.000 đồng/tháng).
  • Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (đóng 670.000 đồng/tháng).

Như vậy, nếu tăng mức lương tối thiểu vùng lên 6% thì cơ cấu lương của doanh nghiệp cũng sẽ phải có sự điều chỉnh theo, ngoài phải tăng mức lương cơ sở theo mức lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp phải đóng ít nhất số tiền đóng bảo hiểm nêu trên cho người lao động.

Bài viết liên quan