Doanh Nghiệp Cần Làm Gì Ngay Sau Khi Có Kết Quả Giấy Phép Kinh Doanh?

Qua tiếp xúc với những doanh nghiệp khi mới bắt tay vào hoạt động kinh doanh, nhiều chủ doanh nghiệp còn loay hoay hoặc không biết phải làm gì tiếp theo ngay sau khi nhận được kết quả Giấy phép đăng lý doanh nghiệp và con dấu sao cho đúng tiến độ mà không bị phạm phải những quy định của Luật doanh nghiệp và cơ quan thuế.

Chúng tôi đã gặp không ít trường hợp một số doanh nghiệp ngay sau khi lập xong thủ tục giấy phép đăng ký doanh nghiệp, do lo chú tâm đến việc chuẩn bị những khâu cần thiết cho hoạt động kinh doanh tại đơn vị như hạ tầng, cơ sở vật chất, thị trường đầu ra, đối tác khách hàng … hoặc chưa đi vào hoạt động kinh doanh ngay nên “Cất Giấy phép vào tủ lưu trữ” đơn giản nghĩ rằng chưa bán hàng, chưa cần xuất hóa đơn nên “cứ để yên đấy” là được rồi, đến khi cần có hóa đơn xuất cho khách hàng thì doanh nghiệp mới “tá hỏa” vì chưa làm thủ tục đăng ký thuế hoặc bị đóng mã số thuế đã chạy đến yêu cầu nhờ chúng tôi “cấp cứu gấp!”.

Doanh nghiệp không hiểu rằng, ngay sau khi doanh nghiệp được cấp giấy phép thì trên Hệ thống dữ liệu của Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã ghi nhận tình trạng là doanh nghiệp đang hoạt động và Cơ quan thuế địa phương quản lý cũng đã cập nhật tình trạng của doanh nghiệp. Chính vì thế nếu doanh nghiệp không kịp thời triển khai những việc đăng ký thuế tiếp theo thì sẽ bị Cơ quan thuế ghi nhận tình trạng bị trễ tờ khai thuế, phạt chậm nộp thuế (thuế môn bài) và thậm chí là bị đóng mã số thuế của doanh nghiệp.

Để hiểu rõ hơn trình tự phải làm gì sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Công ty Kim Húc tóm tắt những bước cơ bản mà doanh nghiệp cần hoàn thành sau đây:

A.  NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT SAU KHI THÀNH LẬP CÔNG TY

Kiểm tra nội dung Giấy Phép Kinh Doanh (GPKD), nếu chưa chính xác, doanh nghiệp (DN) có quyền gửi thông báo yêu cầu cơ quan Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) hiệu đính lại cho phù hợp với hồ sơ Đăng ký mà DN đã nộp.

  • ♦ Đăng bố cáo thành lập DN: Sở KH&ĐT sẽ thu lệ phí và đăng cho mình ngay khi mình nộp hồ sơ thành lập, mình chỉ cần lưu lại biên lai thu lệ phí đăng bố cáo và Thông báo của Sở KH&ĐT về việc đăng bố cáo.
  • ♦ Làm con dấu tại các công ty khắc dấu tròn, sau đó nộp hồ sơ đăng ký mấu con dấu lên Sở KH&ĐT.
  • ♦ Khắc bảng hiệu và treo bảng tại trụ sở công ty.
  • ♦ Mở tài khoản ngân hàng (nên mở ở các ngân hàng uy tín, tiện giao dịch), nộp Thông báo sử dụng số tài khoản ngân hàng lên Sở KH&ĐT.
  • ♦ Đăng ký chữ ký số để Đăng ký nộp thuế điện tử và đóng thuế môn bài
  • ♦ Làm thủ tục khai thuế ban đầu tại chi cục thuế quận/ huyện nơi công ty đặt trụ sở chính
  • ♦ Đăng ký hóa đơn và làm thông báo phát hành hóa đơn
  • ♦ Lập sổ sách kế toán của DN.

B. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT SAU KHI THÀNH LẬP CÔNG TY – TÌM HIỂU VỀ THUẾ

Giai đoạn sau khi nhận GPKD tại Sở Kế Hoạch, phần lớn cơ quan tiếp theo DN sẽ làm việc chính là Chi Cục Thuế tại nơi đặt trụ sở công ty. Có rất nhiều loại thuế mà DN phải hoàn thành trong một năm, để giúp DN nắm vững và tránh rủi ro đáng tiếc khi thực hiện nghĩa vụ thuế, Kim Húc sẽ tư vấn một cách ngắn gọn về từng loại như sau:

1. THUẾ MÔN BÀI:

Nộp 1 năm/lần.

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 20/2022/NĐ-CP các doanh nghiệp mới thành lập được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc sản xuất kinh doanh

       Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp tờ khai chậm nhất là 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.

Bậc thuế môn bài được quy định như sau:

Người nộp thuếMức thuế môn bài cả năm
Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng3.000.000 VNĐ
Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống2.000.000 VNĐ
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác1.000.000 VNĐ

2. THUẾ GTGT (VAT)

Thuế GTGT bao gồm báo cáo thuế hàng tháng/ quý và báo cáo tài chính đầu năm.

Báo cáo thuế hàng tháng/ quý: 1tháng/lần hoặc 1 quý/ 1 lần ngay cả không phát sinh doanh thu trước ngày 20 hàng tháng tại Chi cục Thuế quận/huyện.

3. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm tạm nộp theo quý và Quyết toán thuế cuối năm.

** Lưu ý: Đối với thuế TNDN tạm nộp theo Quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau; Thuế TNDN là loại thuế có kỳ tính thuế theo năm, nhưng hàng Quý doanh nghiệp phải tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý và được trừ số thuế đã tạm nộp với số phải nộp theo Quyết toán thuế năm

Doanh nghiệp nộp bằng 20% lợi nhuận DN trong đợt quyết toán cuối năm.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng về việc khai thuế và nộp thuế, thì sẽ bị xử phạt theo quy định của Pháp Luật. Vì vậy Quý doanh nghiệp chú ý và hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình.

Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu được những điều cần làm sau khi thành lập công ty. Hãy gọi cho chúng tôi công ty Kim Húc theo số hotline: (024) 3645 4054 (Giờ hành chính)  – (84) 866 454 054 (Hotline) để được hỗ trợ bất kỳ thắc mắc nào về những điều cần biết sau khi thành lập công ty .

Chúc bạn luôn thành công trên con đường kinh doanh của mình.

Bài viết liên quan