TƯ VẤN SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG UỶ QUYỀN

Hợp đồng ủy quyền là một loại hợp đồng dân sự và được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khi một cá nhân mong muốn giao cho một cá nhân khác những quyền của mình một cách hợp pháp, cá nhân đó sẽ thực hiện hành vi ủy quyền. Để ghi nhận hành vi này, ngoài giao kết hợp đồng ủy quyền, chủ thể của hành vi còn có thể lập giấy ủy quyền. Điểm khác biệt giữa hai loại văn bản nêu trên là hợp đồng ủy quyền cần sự thỏa thuận của các bên, còn giấy ủy quyền có thể chỉ cần ý chí của một bên buộc bên kia phải thực hiện. Theo định nghĩa của Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền thể hiện sự giao kết của các bên, trong đó bên nhận ủy quyền sẽ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc do quy định của pháp luật.

Hình thức hợp đồng ủy quyền: Các bên có thể tự thỏa thuận về hình thức hợp đồng, tuy nhiên trong những trường hợp khác do pháp luật quy định, hợp đồng phải được lập thành văn bản (có thể yêu cầu công chứng, chứng thực).

Nội dung hợp đồng ủy quyền:

– Thông tin các bên giao kết: bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền;

– Căn cứ ủy quyền: Bên ủy quyền đưa ra những bằng chứng cho thấy mình có quyền hoặc được phép thực hiện những công việc nêu trong phạm vi ủy quyền;

– Phạm vi ủy quyền: Đây là phần đặc biệt quan trọng mà các bên cần chú ý làm rõ. Phạm vi ủy quyền cần được nêu cụ thể công việc cần thực hiện để tránh trường hợp bên nhận ủy quyền lạm dụng quyền trong phạm vi này. Tuy nhiên, nếu phạm vi ủy quyền quá hẹp thì bên ủy quyền sẽ cần phải lập thêm hợp đồng khác nếu muốn bên nhận ủy quyền thực hiện công việc không nằm trong phạm vi này, gây tốn thời gian và công sức;

– Thời hạn ủy quyền: nếu trong hợp đồng không quy định điều khoản này thì pháp luật mặc định thời hạn ủy quyền là 01 năm kể từ ngày ký hợp đồng;

– Quyền và nghĩa vụ của các bên: căn cứ từ Điều 565 – Điều 568 Bộ luật dân sự 2015, ngoài những quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định, các bên có thể thỏa thuận thêm các quyền, nghĩa vụ khác tùy thuộc vào tính chất công việc ủy quyền, miễn không trái với quy định của pháp luật;

– Thù lao bên nhận ủy quyền được hưởng (nếu có): cần ghi rõ mức thù lao, phương thức và thời hạn thanh toán;

– Phương thức giải quyết tranh chấp;

– Các thỏa thuận khác không trái với quy định của pháp luật.

Lưu ý:

– Chủ thể được phép tham gia với tư cách người nhận ủy quyền chỉ có thể là một cá nhân cụ thể.

– Bên ủy quyền không được phép ủy quyền cho các công việc không thuộc quyền hạn của mình.

– Bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, tuy nhiên có một số lưu ý như sau:

+ Đối với ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền khi chấm dứt phải trả thù lao tương ứng với phần công việc đã thực hiện cho bên nhận ủy quyền và bồi thường thiệt hại. Đối với ủy quyền không có thù lao, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên ủy quyền phải thông báo cho bên nhận ủy quyền trước “một thời gian hợp lý”.

+ Tương tự, bên nhận ủy quyền khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng phải thông báo trước với bên ủy quyền; phải bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với hợp đồng ủy quyền có thù lao.

Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và cần được tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp, đầu tư tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Công ty Kim Húc để biết thêm chi tiết!

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ TƯ VẤN KIM HÚC

Địa chỉ:  C36-TT8, Khu đô thị Văn Quán, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội

ĐT: 024.3225.2641                          Fax: 024.3225.2640

Hotline: 024.3225.2641 / 0943.980.222

Email: consultant@kimhuc.com

 

Bài viết liên quan